Tay chơi thành đạt Dân Hà Nội cũng có thú chơi CD cổ, nhưng giới trẻ Sài Gòn mới thực sự ưa chuộng CD. Một CLB CD Sài Gòn được thành lập từ năm 2004. Dân CD không đụng hàng, vì mỗi người một kiểu. Có người mua xác xe về "độ" nguyên trạng, có người thiết kế cho thật độc, hoặc cải lùi đời càng cũ càng xịn. Lại hạ thấp niềng xe từ 17 inch còn 16 inch cho có độ đằm, xi lại lốc máy. Chỉ cần nhìn con xe đen bóng của Thụy, anh đã có thể vui vẻ bắt chuyện. Bởi nguyên tắc của dân CD khá đơn giản: Cùng đam mê, cùng chia sẻ. "Thử nhìn chiếc xe mà xem, nam tính quá chứ! Tiếng xe CD đằm và ấm hơn xe Honda 67. Tôi mê CD từ mấy năm rồi, ở nhà có chiếc màu đỏ, được gắn các bình cứu hỏa phía sau. Đây là chiếc của anh bạn thân. Anh ấy phải gửi mua đồ độc từ nước ngoài về, thay đổi sao cho giống chiếc BMW. Dòng xe BMW bây giờ hiếm lắm". Thụy là thành viên của SaiGon CD Club (SCDC), chiếc xe anh mượn của anh Đạt trông trùi trũi, phóng khoáng, ngang tàng, thêm cái biển số cách điệu theo kiểu "lưỡi hái tử thần" trông rất ngộ. Chủ nhân chiếc xe đã phải bỏ ra gần 70 triệu đồng - một con số kỷ lục đối với dân chơi CD - để mua xe, tu sửa và chỉnh máy chạy cực tốt. Hỏi ra càng kinh ngạc hơn. Thuộc thế hệ 8X, Hồ Minh Thụy hiện là Giám đốc điều hành Công ty truyền thông VTH, Giám đốc tổ chức sự kiện của Công ty truyền thông Quan Việt, chủ quán Hội quán ở Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM. Anh cười: "Mở hội quán là để đón anh em trong CLB ghé chơi (trưa nào cũng có vài chục người đến ăn trưa và đàm đạo về CD). Bọn tôi vẫn thường tổ chức các bữa cơm từ thiện cho trẻ nghèo tại đây, giúp trẻ ở mái ấm Củ Chi hay Long Khánh, Long Thành...".
Dọc đường gió bụi xuyên Việt- Ảnh:
LĐ “Vợ cả” hay “vợ hai”? Một chiếc CD săn lùng mua không dễ, giá từ 25-30 triệu, sửa lại theo đời cũ. Dòng 1997 là dòng cuối. Cổ nhất là CD đời 1976. Nhưng cũng có những chiếc "hàng độc" đắt không thua Spacy. Người ta vẫn gọi CD là "vợ" của mình; nếu ai đã có vợ rồi thì chiếc xe sẽ là "vợ hai". Có cả một nhóm người như Thụy, những chàng trai khá thành đạt, làm một lúc vài công ty, có đủ tiền mua ôtô, nhưng lại chịu chơi với CD mà thôi. Họ tuyên bố quan niệm của mình rất thẳng thừng: Chơi xe không kiểu cách, miễn gần gũi, nam tính. Chiếc xe cũng giống như chủ nhân, có thể lăn lóc bụi trần, đi đường rừng, lội suối, đi xuyên Việt, đi đến tận những vùng xa, rừng sâu mà các nhà từ thiện chưa tới được, để giúp người nghèo. Dân CD trích quỹ từ các vụ mua bán xe để làm việc thiện. Ngoài các chàng trai, còn có cả những mỹ nhân cũng mê CD như điếu đổ. Cô Lâm Phạm Bảo Khuyên - thế hệ 7X hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, lồng tiếng cho phim - cũng sắm một chiếc CD đời 92. Các nghệ sĩ như Công Ninh cũng tậu chiếc CD 39 triệu đồng, chỉnh trang lại ngốn thêm 7 triệu, mới ra con xe ưng ý. Hiện nay, ở Sài Gòn có khoảng trên 100 chiếc CD. "Cũng có cái lạ là bọn tôi dựng ngang tàng ở đâu thì cũng không sợ bị mất xe. Chỉ thi thoảng mất phụ tùng. Mà mất đâu tốn đó. Mỗi cái gương thôi đã phải bỏ ra 300 ngàn đồng sắm lại". Kết nối nhờ ngựa sắt "Chiếc xe đã thay đổi động cơ sống của tôi - Anh Lê Hoàng Đạt, tay chơi xe đạp cổ, Vespa cổ, giờ đến CD đời 92, thú nhận - Đi Vespa gây ô nhiễm vì xả khói, khi chuyển sang CD tôi mới thấy có chiếc xe hợp với tính cách của mình. Nhưng quan trọng nhất là khi gia nhập CLB, tôi có nhiều bạn mới, cùng chia sẻ mục đích sống. Với chàng kiến trúc sư Vân, khi cưỡi lên chiếc CD của mình khi phải đi đến các công trình ở vùng xa, địa thế hiểm trở, tự hào cho rằng đi loại xe này vừa bền, vừa tiết kiệm. Vân nói: "Đây là loại xe thịnh hành ở Nhật thời trước, dùng để đưa thư, chở hàng. Giới trẻ Nhật thì không khoái loại này như giới trẻ Việt Nam. Người Việt khoái chạy CD chỉ bốn năm trở lại đây thôi. Chạy loại xe này thấy tính tình mình hình như cũng đằm lại". Dân chơi CD hai miền cũng khăng khít gắn bó với nhau. Để ráp được 1 chiếc CD ưng ý, tay rocker kiêm kiến trúc sư Hoàng Nghĩa ở Hà Nội đã phải mời anh em Sài Gòn trong CLB ráp giúp. Đi xuyên Việt, hễ xe hư có thể gọi ngay cho chuyên gia CD - Tuân Eccentric, người có thể sửa xe qua... điện thoại vì quá rành các "căn bệnh" của CD. Giàu nhất hiện nay về số lượng xe CD là anh Bản, 30 cái. Khi tiếp xúc với những người mê xe máy cổ CD, có người cho rằng dường như đang hình thành một thế hệ hippy mới chống lại trào lưu ưa chuộng những tiện nghi thời trang, đưa chiếc xe trở về mục đích tiện dụng và giữ mối quan hệ tích cực với cộng đồng. Sống thực chất, không màu mè, chan hoà, thân ái cũng là phương châm của các tay chơi ưa trung thực này.
Theo MINH THI - Lao Động Cuối Tuần Việt Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét